“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng”...
VHO- Thời gian qua, nhiều người trẻ bị dụ dỗ sang Campuchia với mồi nhử “việc nhẹ lương cao”, thực tế là sập bẫy lừa và bị cưỡng bức lao động trong các sòng bạc, khiến nạn nhân phải tìm đường tháo thân và lực lượng chức năng của hai nước phải ra công giải cứu. Đã rõ người bị lừa là rất tội nghiệp và cần sự giúp đỡ, nhưng công bằng mà nói, sở dĩ miếng bả “việc nhẹ lương cao” vẫn câu được con mồi là bởi họ nhẹ dạ cả tin: Không hợp đồng lao động, không giấy tờ, phải lưu trú bất hợp pháp, trao cho người lạ quyền định đoạt số phận mình qua lời hứa suông...
Lại nữa, nếu quả thực có “việc nhẹ lương cao” thật thì lực lượng lao động nước sở tại thiếu gì, sao người ta lại phải đi tìm ở nơi xa cho tốn kém? Những câu hỏi sơ đẳng đặt ra dễ dàng cho thấy “việc nhẹ lương cao” chỉ là một chiêu trò lừa lọc.
Trên thực tế, trong mối quan hệ giữa lao động và trả công chỉ có thể xảy ra các trường hợp: Việc nặng lương cao, việc nặng lương thấp, việc nhẹ lương thấp; còn “việc nhẹ lương cao” chắc chỉ có trong mơ. Lao động phổ thông thường gánh vác những việc nặng nhọc; lao động trí tuệ thoạt nhìn tưởng nhẹ nhàng nhưng đầu óc luôn vận động căng thẳng; đến các doanh nhân “nghìn tỉ” cũng phải lao tâm khổ tứ, ăn không ngon ngủ không yên… Vậy việc nhẹ lương cao tồn tại ở đâu? Chỉ có tận tâm tận lực lao động, chịu khó học hỏi, nâng cao kiến thức, tay nghề kỹ thuật mới có thể cải thiện mức lương cho bản thân mình. Từ đó suy ra, tâm lý hóng “việc nhẹ lương cao” chính là sự lười biếng đang tồn tại không ít trong một bộ phận của cộng đồng xã hội.
Lời một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Long Ẩn có câu: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?, nghe đến đây nhiều người không khỏi lắc đầu ngao ngán khi liên tưởng đến những cán bộ, công chức lúc nào cũng “lừ đừ như ông từ vào đền”. Nếu như người dân hay doanh nhân có thể xem thắng lợi của mình là thắng lợi chung của đất nước, thì người cán bộ công chức phải xem thắng lợi chung của đất nước là thắng lợi của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ, công chức phải là người đày tớ thật trung thành của nhân dân; phải là người lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân; ôm hoài bão lớn không phải để cho mình mà vì sự giàu mạnh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân”…
Thế nhưng, sau khi những người vi phạm pháp luật bị xử lý, bị đi tù, hình như tâm lý cầu an, nằm chờ lại càng rõ hơn bao giờ hết. Đã rõ, hàng loạt bị cáo trong các vụ kit test Covid-19, chuyến bay giải cứu, đăng kiểm ô tô, tham nhũng đất đai… đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cho bản thân. Nhưng đáng ra, khi thấy “gương tày liếp” ấy, đội ngũ cán bộ, công chức chân chính phải lấy làm mừng, phải phấn khởi hơn, hăng say trong công việc hơn. Nhưng không, có vẻ như không ít người chỉ muốn “chọn việc nhẹ nhàng”, không muốn dấn thân vào mạo hiểm, gian khổ để góp phần vào thành tựu chung cho quốc gia. Họ không động não, cũng chẳng sáng tạo, nói gì đến thử nghiệm? Việc gì cũng e dè, đề phòng, gặp khó thì lùi, gặp nguy cơ là tránh để cho bản thân được “an toàn”. Tâm lý ấy khiến cho hành vi “sáng cắp ô đi tối cắp về” trở thành vật cản làm trì chậm vòng quay của bộ máy nhà nước. Đương nhiên ở đây cũng có một phần liên quan đến vấn đề lương bổng, đãi ngộ và cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ dám làm mà các cơ quan nhà nước đang phải tính đến.
Trộm nghĩ, hơn ai hết, những “đày tớ trung thành của nhân dân” phải luôn tự vấn mình: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?
CAO CHƯ